Liên minh Châu Âu (EU) hiện bao gồm 27 quốc gia thành viên, dân số khoảng 450 triệu người . Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, GDP năm 2021 của EU đạt 17 ngàn tỷ USD chiếm gần 18% tổng GDP toàn cầu, GDP bình quân đầu người đạt trên 38.000 USD.
EU là thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản lớn thứ 3 thế giới. Hàng năm EU nhập khẩu khoảng trên 300 tỷ USD các mặt hàng NLTS, (Nông sản chính là 190 tỷ USD, thủy sản 50 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 59 tỷ USD (ITC, 2021). EU dự báo năm 2024 kim ngạch xuất khẩu NLTS của EU khoảng 345,14 tỷ USD, tốc độ tăng khoảng 7,16%; kim ngạch nhập khẩu NLTS của EU khoảng 323.4 tỷ USD tăng 6,44%.
Kim ngạch nhập NLTS từ Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU xếp thứ 11 trong trong danh sách các nước xuất khẩu NLTS vào EU. EU là 1 trong 4 thị trường xuất khẩu NLTS lớn nhất của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN. EU là khu vực có mức chi cho tiêu dùng thực phẩm lớn, hàng năm EU dành 1000 tỉ Euro cho thực phẩm và đồ uống, chiếm 21,4% tổng chi tiêu của hộ gia đình (11,8% chi tiêu cho lương thực – thực phẩm, 6,8% cho dịch vụ ăn uống, 1,6% cho đồ uống có cồn, và 1,2% cho đồ uống không cồn) (Eurostat, 2020).
Đối với EU, các nước Thành viên đều tuân thủ theo nguyên tắc “một thực thể-Cộng đồng chung”, theo hệ thống luật pháp, quyền và nghĩa vụ của EU liên quan đến các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế mà EU tham gia. Các nước thành viên EU thành lập liên minh hải quan chung, thị trường chung, hàng hóa có thể lưu thông tự do, áp dụng chính sách thương mại chung, chính sách nông nghiệp và thủy sản chung.
Hệ thống pháp luật của EU về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật hoàn thiện, đầy đủ và minh bạch, thường xuyên được sửa đổi bổ sung nhằm đảm bảo và bảo vệ sức khỏe con người, động, thực vật và môi trường. Về quản lý an toàn thực phẩm chung, EU tiếp cận theo hướng tích hợp đối với an toàn thực phẩm bao gồm tất cả các lĩnh vực của chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Nông sản, thực phẩm hàng hóa của các nước thứ ba bên ngoài EU tiếp cận thị trường, EU áp dụng các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với nhóm sản phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật khác nhau. Nhóm sản phẩm có nguồn gốc thực vật, EU áp dụng cách tiếp cận mở và mang tính hậu kiểm khác với các biện pháp của các đối tác nhập khẩu nông sản thực phẩm lớn khác.
Đối với nhóm sản phẩm có nguồn gốc động vật gồm cả động vật trên cạn và dưới nước, có cách tiếp cận chặt chẽ theo 3 tiêu chí quốc gia, nhóm sản phẩm và doanh nghiệp được EU phê duyệt, kèm theo các chương trình kiểm soát quốc gia thực hiện song song hoặc một số loại, bệnh, vi sinh vật gây hại trên động vật cả trên cạn và dưới nước, kiểm soát các chất tồn dư độc tố, kháng sinh trong sản phẩm động vật và các chương trình kiểm soát vi sinh vật, độc tố kim loại nặng đối với thủy sản, kế hoạch giám sát, dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm… mới được phép tiếp cận thị trường EU.
Việt Nam là một trong 4 nước Châu Á ký Hiệp định Thương mại tự do với EU, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) hiệu lực từ 1/8/2020, đem lại nhiều cơ hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, trong thực tế cũng đặt ra không ít thách thức cho xuất khẩu NLTS của Việt Nam khi thuế quan giảm xuống nhưng vẫn đối mặt các khó khăn liên quan đến các quy định rào cản kỹ thuật (SPS, TBT, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ tên xuất xứ, chỉ dẫn địa lý và các nội dung mới như lao động, minh bạch hóa thông tin, trách nhiệm xã hội, môi trường, phát triển bền vững…) tại thị trường EU ngày càng có xu hướng tăng lên và thực hiện sâu rộng hơn. Xu hướng người tiêu dùng EU đang ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn đối với NLTS nhập khẩu về các vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm; thân thiện với môi trường, giảm phát thải carbon, ghi nhãn năng lượng, phúc lợi động vật; và thể hiện trách nhiệm xã hội và thậm chí chấp nhận một số sản phẩm mới lạ từ bên ngoài tiếp cận thị trường EU.
Báo cáo này tổng hợp những quy định liên quan đến kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, mẫu mã bao bì đóng gói, các yêu cầu liên quan đến thủ tục, đăng ký, thủ tục thông quan…giúp cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các nhà quản lý tham khảo. Các quy định của EU liên tục được cập nhật bổ sung và sửa đổi theo thời gian. Xu hướng sửa đổi và ban hành các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật ngày càng chặt chẽ và nâng mức độ kiểm soát và nghiêm ngặt hơn. Do đó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tham khảo thêm các quy định cập nhật và đối tác nhập khẩu tại các nước thành viên phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu với EU.
(Time-Critical Logistics – Xpd Global Solution Việt Nam)